Hậu quả Trận_sông_Kalka

Trận chiến là một thất bại rất tai hại cho các thân vương Rus, Richard Gabriel cho rằng họ để mất 50.000 binh sĩ, trong khi quân Mông Cổ thiệt hại tối thiểu. Trong số các nguồn sơ cấp của Rus, Povest Vremyannykh Let đưa ra số lượng 10.000 bị giết trong khi Nikonovskaya Letopis có niên đại sau đó rất lâu cho rằng 60.000 bị giết. Novgorodskaya Pervaya Letopis có niên đại cùng thời với trận chiến thì không đưa ra số liệu.[22] Trong các thân vương Rus, Daniel của Volhynia và Mstislav Mstislavich đào thoát được khỏi trận chiến.[30] Đây là một thất bại quan trọng, khiến nhiều thân vương quốc Rus mất phần lớn quân lực của mình, ngoại lệ đáng chú ý là Vladimir-Suzdal.[2] Sử gia Robert Marshall mô tả cuộc tấn công như sau: "Phần còn lại trong chiến dịch của Tốc Bát Đài đi vào biên niên của lịch sử quân sự như một trong các phiêu lưu vĩ đại nhất của kị binh chiến."[31]

Người Mông Cổ hành quyết Mstislav của Kiev và các quý tộc Kiev theo cách thức truyền thống Mông Cổ cho hoàng thất và quý tộc: không đổ máu. Mstislav và các quý tộc của ông bị chôn và chết ngạt bên dưới đài chiến thắng của tướng lĩnh Mông Cổ trong lễ mừng thắng lợi. Trong khi đó, Mstislav Mstislavich tiến về bờ tây của Dnieper với tàn quân của mình. Nhằm ngăn quân Mông Cổ vượt sông sang bờ tây, Mstislav cho phá hủy toàn bộ thuyền mà ông tìm thấy.[32]

Điều mà Rus lo ngại đã không xảy ra khi người Mông Cổ truy kích Thân vương Galich và cướp bóc một vài đô thị tại phía nam trước khi quay lại. Quân đội Mông Cổ vượt sông Volga gần Volgograd ngày nay và băng qua Volga Bulgaria, tại đó họ bị người Bulgar đánh bại trong một cuộc phục kích. Quân Mông Cổ chạm trán với người Bulgar trong một trận khác và lần này họ đánh tan quân Bulgar. Quân Mông Cổ sau đó tấn công người Cuman Kanglis, nhóm này hỗ trợ cho đồng bào Cuman của mình tại Kavkaz một năm trước đó. Quân Mông Cổ chiến đấu chống quân Cuman gần dãy núi Ural, đánh bại và giết khả hãn trước khi buộc họ phải cống nạp.[33]

Sau thắng lợi này, quân Mông Cổ quay về phía đông và hội quân với Thành Cát Tư Hãn tại thảo nguyên phía đông của sông Syr Darya. Thành Cát Tư Hãn đánh giá cao thành tích của các tướng lĩnh của mình và rất tán dương Triết Biệt và Tốc Bất Đài. Tuy nhiên, Triết biệt không sống được lâu sau chiến dịch.[34] Tầm quan trọng của chiến dịch là rất lớn. Cuộc viễn chinh là tập kích kị binh xa nhất trong lịch sử, khi quân Mông Cổ cưỡi ngựa 5.500 dặm (8.900 km) trong ba năm. Tốc Bất Đài cũng đặt nhiều gian tế tại Rus, họ cung cấp các báo cáo thường xuyên về diễn biến tại châu Âu và Nga.[35] Năm 1237, Tốc Bất Đài cùng với Bạt Đô lãnh đạo cuộc tấn công khác với 120.000 binh sĩ, chinh phục Rus Kiev.[36]

Liên quan